Danh nhân Nghĩa_Hưng

Nghĩa Hưng là vùng đất sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng trong thời phong kiến. Có thể kể đến:

1. Vũ Triệt Võ (1460 - ?): Quê xã Đào Lạng, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang.

2. Trần Hữu Thành (1558 - ?): Quê xã Đào Lạng, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 2(1586) đời Mạc Mậu Hợp, được bổ chức Trấn đông tướng quân, rồi Đề hình Giám sát Ngự sử.

3. Đồng Công Viện (1681 - ?): Quê xã Hải Lạng, huyện Đại An nay là thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh 8(1712) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.

4. Vũ Công Tế (1687 - 1745): Quê xã Đào Khê, huyện Đại An nay thuộc xã Nghĩa Thái, đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến Tả thị lang, tước Tô Xuyên bá, thuỵ là Mặc Hiên.

5. Vũ Huy Trác (1730 - 1793): Quê xã Lộng Điền, huyện Đại An nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33(1772) đời Lê Hiển Tông. Năm 1788 ông giữ chức Lễ bộ Tả thị lang, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, Giám quân đạo Sơn Nam. Đến thời Tây Sơn ông về quê dạy học. Ông nổi tiếng giỏi văn chương, người đường thời tôn vinh ông là "Thần phú". Tác phẩm của ông có Giang nam lão phố thi tập, Nam Chân nhân vật khảo, Nhất thân thường hành quốc âm ca, Liêu Động di biên (chuyển thể 10 bài ca dao chữ Hán của Trần Nhật Duật thành 10 bài phú Nôm).

6. Vũ Diệm (Thế kỷ XIX): Quê xã Lộng Điền, huyện Đại An nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị 4(1844), làm quan Bố chánh Hải Dương, thăng Hình bộ Tả thị lang. Sau về nghỉ. Tác phẩm của ông có Lộng Điền Vũ Tiến sĩ thi tuyển.

7. Đinh Văn Chất (1843-1887) tên chữ Giả Phu,hiệu là Trực Hiên đậu tú tài năm Tự Đức Đinh mão, đậu Hoàng Giáp Tiến sĩ năm Tự Đức Ất Hợi 1875. Sử sách ghi lại Ông quê làng Kim Khê, Nghệ An nhưng cuộc đời gắn liền với vùng đất Nghĩa Hưng. Năm Hàm Nghi thứ nhất, Ông được bổ làm Tri phủ Nghĩa Hưng nổi tiếng liêm cán, tấu xét tự dân không nhiễu, gặp việc thực hành thưởng kim khánh vàng đỏ trên mặt có khắc bốn chữ "Liêm Bình Cần Cán". Năm 1883, Pháp chiếm được thành Nam Định, kéo binh thuyền đánh phủ Nghĩa Hưng. Ông đào hào trồng chuối bầy quân nghiêm chỉnh ngồi giữa công đường thề cùng Phủ Thành sống chết với Giặc. Quan binh Pháp tiến đánh và dụ hàng nhiều lần không được phải lui quân. Sau hưởng ứng phong trào Cần Vương, Ông chiêu tập nghĩa quân chống quân Pháp và triều đình tay sai, cuối cùng do lực lượng không cân sức cuộc khởi nghĩa thất bại. Ông bị giặc bắt và sát hại. Ngày nay để ghi nhớ công lao của Ông tại thành phố Vinh có đặt tên một con đường mang tên Ông - đường Đinh Văn Chất.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghĩa_Hưng //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://nghiahung.namdinh.gov.vn/ https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-124-2004-qd-ttg... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c... https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-c...